150 năm qua, “Nàng tiên xanh” Absinthe đã trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời trong sáng tác của nhiều nghệ sĩ lớn, dù có giai đoạn, đồ uống này đã bị cấm vì lý do gây tổn hại thần kinh.
Nhà thơ người Pháp Arthur Rimbaud, một trong những người sáng lập trường phái thơ tượng trưng gọi absinthe là “Bụi ngải đắng của các dòng sông băng” vì thành phần chính của Absinthe là loại thảo dược có vị đắng mọc rất nhiều ở khu vực băng tuyết Val-de-Travers (Thụy Sĩ), thường được gọi là cây ngải. Đó cũng là nơi ra đời của loại đồ uống có hương liệu huyền thoại này vào cuối thế kỷ 18.
Thật khó để đánh giá ảnh hưởng văn hóa của Absinthe nhưng chắc chắn đó là nàng thơ của rất nhiều nghệ sĩ lớn. Đó là năm 1859, khi bức họa The Absinthe Drinker của Édouard Manet gây sửng sốt ở Salon de Paris; là năm 1914, khi Pablo Picasso ra mắt tác phẩm Absinthe Glass (Ly rượu absinthe) gồm một phần điêu khắc, một phần cắt dán và một phần vẽ, biểu hiện sự thực và sự ảo. Vào thời Belle Époque (Thời kỳ tươi đẹp), một giai đoạn chủ yếu ở châu Âu từ khoảng cuối thế kỷ 19 tới cho năm 1914, trước khi nổ ra Thế chiến I, Absinthe được gọi là "Green Fairy" nhờ màu sắc đặc biệt là lựa chọn hàng đầu của hầu hết văn nghệ sĩ tại Paris. Và 5 giờ chiều hàng ngày được ưu ái gọi là "Green Hour", một thời điểm hưng thịnh nhất của các quán cà phê khi trên bàn xếp đầy những ly rượu màu xanh tươi.
Hàng triệu văn nghệ sĩ đã quy phục dưới chân absinthe và đồ uống này nghiễm nhiên kích thích các sáng tạo văn chương, nghệ thuật. Mỗi người đều tự trang bị cho mình những chiếc ly chuyên dụng, muỗng, đường để làm dịu vị đắng và dụng cụ lọc để pha loãng absinthe, như một giấc mơ để lọc thành kiệt tác đời mình.
Absinthe là một loại đồ uống khai vị gây ảnh hưởng thần kinh như hiện tượng choáng váng, ảo giác và mất kiểm soát nếu không được chưng cất với liều lượng đúng. Rimbaud, Baudelaire, Paul Verlaine, Emile Zola, Alfred Jarry và Oscar Wilde... là một trong số rất nhiều những nhà văn nghiện absinthe khét tiếng. Nhà văn người Pháp, Alfred Jarry, tác giả của tác phẩm Lão Ubu luôn khăng khăng đòi uống trực tiếp absinthe nguyên chất; thi sĩ Baudelaire sử dụng kèm thuốc phiện; Rimbaud kết hợp với cần sa. Họ đã chìm ngập trong hơi rượu mê man của absinthe và viết lách ngay trong thế giới mơ hồ ấy. Thậm chí trong bài thơ Poison, Baudelaire còn xếp hạng absinthe trên cả rượu và thuốc phiện. Còn Rimbaud, “nhà giả kim thuật của thế giới thi ca” coi absinthe như một công cụ nghệ thuật. Ông cho rằng hiệu ứng ảo giác của absinthe “giúp bản thân trở thành một nhà tiên tri qua các rối loạn lâu dài, phi thường của tất cả các giác quan”.
Ngay cả Guy de Maupassant, nhà văn xuất sắc của văn học Pháp, tác giả của những Boule de Suif (Viên mỡ bò), Le Papa de Simon (Bố của Simon) cũng mê mẩn với absinthe khi nhắc tới đồ uống này trong truyện ngắn Les dimanches d'un bourgeois de Paris (Ngày chủ nhật của một trưởng giả Paris) . Nhân vật chính của truyện được mời tới dự một bữa tiệc của một họa sĩ nổi tiếng. Uống quá nhiều absinthe, thay vì cố gắng ngồi uống ghế, ông lại ngã nhào ra và mê man. Khi thức dậy, ông thấy mình đang trong tình trạng trần truồng trên một chiếc giường lạ.
Công chúng đương thời đã đổ lỗi cho absinthe rằng đồ uống này đã khiến Baudelaire, Jarry, Verlaine, Alfred de Musset và nhiều văn nghệ sĩ khác chết sớm. Thậm chí, việc Vincent Van Gogh “tự xử” một tai của mình cũng được dự đoán là do tác dụng của absinthe. Chính vì điều tiếng gây rối loạn tâm thần, kích thích các hành vi phạm tội, trong đó có giết người, năm 1915, chính phủ Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ và hầu khắp châu Âu đã ra lệnh cấm absinthe.
Green Fairy tưởng đã chìm lấp trong thế kỷ 20, thay vào đó là các loại cocktail, martini nhưng thực chất vẫn ngấm ngầm tồn tại. Nhà văn Mỹ lừng danh Ernest Hemingway vẫn nhấm nháp đồ uống này ở Tây Ban Nha những năm 1920 khi ông là một nhà báo ở đây, và vẫn tiếp tục “tin dùng” absinthe trong tác phẩm The Sun Also Rises (Mặt trời vẫn mọc), For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai)... Hemingway thậm chí còn phát minh ra cách pha chế một ly absinthe hảo hạng nhờ thêm champagne. Những năm cuối thế kỷ 20, absinthe đã trở thành một điểm tham chiếu suy đồi trong một thế hệ mới của các nhà văn Bohemian có tiền đồn ở San Francisco và New Orleans.
Đến ngày nay, absinthe vẫn là một loại đồ uống “tê lưỡi” và chạm tới các giác quan. Thậm chí, người phụ trách chuyên mục đồ uông của tờ The New York Times, Rosie Schaap cho rằng “absinthe truyền đạt một không khí thần bí, một liên lạc của siêu nhiên. Bà cũng cho rằng cocktail absinthe hiện đại hai phần rượu gin, một phần vermouth khô, hai giọt absinthe và một lá bạc hà.
Trong giới văn chương ngày nay, absinthe mang ý nghĩa giải trí hơn là một “nàng thơ”. Absinthe xuất hiện trong siêu phẩm truyền hình Mad Men, trở thành một nhãn hiệu rượu của riêng Marilyn Manson - Mansinthe và là phụ gia của vô số các công thức nấu ăn. Nhưng những câu chuyện huyền thoại về absinthe vẫn còn đó, như một nguồn cảm hứng hoài cổ bất tận, một “Nàng thơ” vẫn “dan díu” với nhiều văn nghệ sĩ dù từng có giai đoạn bị phong tỏa hết mọi lối về.